Theo Công văn số 962 của Sở Xây dựng Bình Thuận, cơ quan này công khai đích danh công khai 33 dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh tại Bình Thuận không đủ điều kiện pháp lý để kinh doanh, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi chủ đầu tư các dự án khu dân cư, bất động sản du lịch chưa đủ điều kiện kinh doanh và yêu cầu không được rao bán, giữ chỗ, đặt chỗ.
Theo Sở Xây dựng Bình Thuận, hiện trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng chủ đầu tư hoặc các nhà phân phối (môi giới) vẫn rao bán, chuyển nhượng bất động sản (BĐS) bằng hình thức giữ chỗ, đặt chỗ hay đăng ký vị trí lô đất để thu tiền của khách hàng. Trong khi đó, các hình thức nêu trên không được quy định trong luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS và các quy định khác có liên quan.
Ngoài ra, cơ quan này còn phát hiện một số chủ dự án hoặc đơn vị môi giới đăng tải thông tin về dự án của mình không đúng tính chất, quy mô, pháp lý đã được chấp thuận. Theo Sở Xây dựng Bình Thuận, điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh BĐS ở địa phương và có khả năng tạo ra điểm nóng, tiềm ẩn yếu tố mất an ninh trật tự do bị tranh chấp, khiếu kiện kéo dài về tính pháp lý của sản phẩm đã sang nhượng, mua bán.
Từ những yếu tố trên, Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu các chủ đầu tư không được ký kết với các đơn vị môi giới để giao dịch các hoạt động sang nhượng, mua bán hay hình thức giữ chỗ, đặt chỗ khi các dự án chưa đủ yếu tố pháp lý. Sở Xây dựng cho biết chỉ được công khai thông tin theo quy định tại điều 6 luật Kinh doanh BĐS. Nếu các chủ đầu tư cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Dự án “bất động” nhưng môi giới vẫn rao bán
Trong số 33 dự án mà Sở Xây dựng Bình Thuận cảnh báo chưa hội đủ điều kiện kinh doanh thì có 17 dự án là khu dân cư, khu đô thị, còn lại là 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng kinh doanh căn hộ.
Theo danh sách này, tất cả các huyện thị, thành phố của Bình Thuận đều có (chỉ riêng huyện đảo Phú Quý không có dự án nào) và nhiều nhất vẫn là TP. Phan Thiết với 7 dự án chưa hội đủ điều kiện về pháp lý. Điều đáng nói, tất cả các dự án này đều nằm ở vị trí đất vàng, đất ven biển (trừ H.Tánh Linh và H.Đức Linh không có biển).
Theo khảo sát của PV Thanh Niên, hầu hết các dự án trong danh sách này đang nằm “bất động” bởi chưa tháo gỡ được pháp lý, vướng đền bù giải tỏa và có cả những dự án đang thuộc diện bị Bộ Công an thụ lý nguồn tin tố giác tội phạm, thu thập chứng cứ để điều tra (dự án T.P.H ở TP.Phan Thiết). Có những dự án thuộc diện chủ đầu tư không còn đủ tiềm lực tài chính như dự án khu dân cư N.B (H.Hàm Thuận Bắc), hay dự án C.V (xã Hồng Phong, H.Bắc Bình). Có những dự án mới chỉ ở giai đoạn được chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngược lại có những dự án xây dựng gần hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa đủ pháp lý như dự án A.L.H ở H.Hàm Thuận Nam, dự án A.P ở Mũi Né, TP. Phan Thiết.
“Về cơ bản, những dự án trên đang nằm bất động bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chúng tôi phát hiện vẫn được các nhà môi giới cho đặt chỗ”, một cán bộ ở tỉnh Bình Thuận cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều dự án vẫn được các đơn vị môi giới giới thiệu, rao bán, đặt chỗ hoặc các hình thức khác để thu tiền khách hàng.
Theo một cán bộ của TP. Phan Thiết, “cái khó nhất hiện nay là việc tính giá đất cho các chủ đầu tư nộp tiền thuê đất chưa có sự thống nhất. Có những dự án đã được áp dụng giá đất tạm tính theo tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, cái này chưa có quy định nào được áp dụng cả, đang bị vướng”.
Trong số 16 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đã được chấp thuận đầu tư nêu trên, với hàng nghìn căn hộ, biệt thự thuộc diện được cấp theo vòng đời dự án. Trong khi loại hình này hiện chưa được pháp luật quy định cụ thể, nên các dự án này đang phải dừng lại, không được phép chuyển nhượng.
Theo: https://thanhnien.vn/binh-thuan-cong-khai-33-du-an-chua-du-dieu-kien-kinh-doanh-185230628222827679.htm#