Dự án kho cảng LNG 1,3 tỷ USD được chấp thuận tại Bình Thuận

Dự án kho cảng LNG 1,3 tỷ USD được chấp thuận tại Bình Thuận – AES và PV Gas đã được Bình Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư kho cảng LNG Sơn Mỹ, có tổng mức đầu tư khoảng 1,34 tỷ USD.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có 48 nhà máy điện các loại. Nếu thêm 2 nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 (dự kiến năm 2028 sẽ hoàn thành), thì Bình Thuận sẽ vượt xa các địa phương khác về công nghiệp năng lượng, là trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Nguồn thu ngân sách từ sản xuất điện năng khá cao và ổn định.

Dự án kho cảng LNG 1,3 tỷ USD được chấp thuận tại Bình Thuận

Tập đoàn AES cho biết dự án kho cảng này nằm trong chuỗi dự án LNG tại Bình Thuận, có công suất lắp đặt 450 TBtu. Kho cảng này dự kiến vận hành thương mại năm 2027.

Bình Thuận được đầu tư 1,3 tỷ USD xây kho cảng LNG
Bình Thuận được đầu tư 1,3 tỷ USD xây kho cảng LNG

Mục tiêu của dự án giai đoạn 1 sẽ cung cấp từ 3,6 triệu tấn khí LNG một năm, giai đoạn 2 tăng lên 6 triệu tấn khí cho các nhà máy điện khí ở Bình Thuận. Đây là dự án kho cảng khí LNG được đánh giá lớn nhất Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Dự án này được AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) kí thỏa thuận liên doanh hồi tháng 9/2021. Thời điểm đó, dự án được dự kiến hoàn tất các thủ tục tài chính năm 2022, bắt đầu vận hành thương mại vào 2026.

Ông Joseph Uddo, Tổng giám đốc AES Việt Nam nói quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là một cột mốc quan trọng cho phép doanh nghiệp tiếp tục phát triển dự án cơ sở hạ tầng. Kho cảng LNG Sơn Mỹ được nhìn nhận là cơ sở để khai thác các nhà máy điện Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, nhằm đưa tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng quốc gia.

Còn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper nhìn nhận dự án Sơn Mỹ sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, cùng với dự án Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 (CCGT) có tổng công suất 2,2 GW của AES là khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Dự án Sơn Mỹ 2 CCGT cũng đã nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước đó.

Thực tế, Quy hoạch điện VIII xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây mới 13 nhà máy nhiệt điện khí LNG có tổng công suất 22.400 MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000 MW. Việc xác định địa điểm xây dựng các nhà máy này căn cứ theo nhu cầu, cân đối nội vùng ở khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và khu vực phía Nam.

Nguồn: https://vnexpress.net/binh-thuan-chap-thuan-du-an-kho-cang-lng-1-3-ty-usd-4628951.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *